Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015


Sáng tạo là không chần chừ – Phần 2

Làm gì để không chần chừ


Khắc phục chần chừ là loại bỏ nguyên nhân đã tạo ra nó bằng cách sử dụng các thủ thuật sáng tạo (trong Phương pháp luận sáng tạo -Triz).

 



 Lập kế hoạch (nguyên tắc thực hiện sơ bộ): khi muốn bắt tay vào một công việc bạn cần lên kế hoạch càng cụ thể càng tốt. Tất nhiên, ban đầu bạn chưa có thể viết gì, nhưng bằng những câu hỏi ở đâu, khi nào, tại sao, ai, cái gì, bạn hãy viết ra giấy kể cả những công việc cần làm và những ý nghĩ thoáng qua. Hãy bắt óc bạn làm việc. Nhớ rằng, hãy ngồi vào bàn và làm việc này ngay, đừng nằm hay cứ ngẫm nghĩ trong đầu.






Chia nhỏ thời gian (nguyên tắc phân nhỏ): Nếu bạn chưa quen làm một công việc đó trong thời gian dài thì hãy chia nhỏ thời gian ra. Đây là thủ thuật phân nhỏ trong sáng tạo, giúp bạn hoàn thành công việc một cách từ từ trong một kế hoạch đã định trước. Ví như thói quen của bạn là không thể tập trung làm việc gì trong 30 phút, vậy thì bạn phân nhỏ ra dưới cái ngưỡng đó, 10 phút thôi, chắc là không có lý do để trốn tránh chứ.





Tránh sao lãng không có ích (nguyên tắc tách khỏi): Bạn đang tập trung vào công việc thì bị xen ngang bởi tiếng ồn, đồng nghiệp, điện thoại reo…Hãy giảm bớt nguy cơ đi lạc đề như vậy bằng thủ thuật tách khỏi, tách khỏi những phiền phức này bằng cách tìm một chỗ yên tĩnh, hay quy định thời gian dành cho những công việc linh tinh. Mỗi người sẽ có những điều kiện khác nhau, khi bạn quyết tâm để tách khỏi những phiền phức ảnh hưởng đến sự sao lãng này bạn sẽ tìm ra giải pháp thích hợp cho bạn.







Phân tích trên là ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Còn chính bạn thì sao, bạn sực nhớ đến một việc khác phải làm trong thời gian bạn đang tập trung, có làm việc đó ngay không. Hãy ghi lại việc cần làm trên giấy, nếu việc đó không cấp bách, sau đó hãy đưa tâm trí bạn trở về công việc. Bạn sẽ làm công việc không cấp bách đó sau.



Tâm trí bạn có thói quen lang thang mỗi khi có thể, vì bạn chưa quen với việc tập trung nên việc này sẽ xảy ra thường xuyên, giống như một đứa trẻ chưa quen với nề nếp, bạn hãy nhắc nhở tâm trí bằng những câu đơn giản, bỏ đi, tập trung vào.


Đặt thời hạn: Thời hạn giống như cái phanh cho biết bạn cần phải kết thúc công việc khi nào, nó giúp bạn điều chỉnh, sắp xếp công việc hợp lý. Có những lúc do phán đoán hay có những sự cố ngoài ý muốn, một công đoạn của công việc dài hơn dự định. Vì thế thời hạn hoàn thành công việc sẽ bị cũng bị ảnh hưởng theo.
Đây là việc thường xuyên xảy ra, khi lặp kế hoạch thực hiện, bạn hãy dùng thủ thuật dự phòng, hãy lường trước những sự cố có thể xảy ra, cân nhắc phương án phòng ngừa và điều quan trọng là đừng đặt thời hạn quá sát vào khả năng bạn thực hiện, điều này không giúp bạn chủ động khi phương án dự phòng không có.

Phân loại công việc và đặt quyền ưu tiên (nguyên tắc liên tục tác động có ích): Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện về hòn đá và cái bình

Chuyện kể một giáo sư mang vào lớp một cái bình, ông lần lượt cho vào đó những hòn đá cuội to bằng nắm tay cho đến khi đầy kín và hỏi cả lớp: “Cái bình đã đầy chưa?”, ai cũng nói “Đã đầy rồi!”. Ông lại tiếp tục cho tiếp những hòn sỏi nhỏ, rồi cho cát vào chen đầy những khoảng trống còn lại. Cuối cùng, ông đổ nước vào. Ý nghĩa của hành động này là gì? Vị giáo sư nói: “Vấn đề là cho dù kế hoạch làm việc của bạn có sít sao thế nào đi nữa, nếu biết sắp xếp cái nào cần được ưu tiên trước, chúng ta luôn có thể giải quyết thêm nhiều việc nữa! Điều quan trọng nhất là: Nếu không đặt những hòn đá cuội vào lọ trước, bạn sẽ không bao giờ có thể cho tất cả chúng vào được”.

Có 4 loại công việc: quan trọng nhưng không cấp bách (đá cuội) vừa cấp bách vừa quan trọng (hòn sỏi), cấp bách nhưng không quan trọng (cát), không cấp bách, không quan trọng (nước).

Bạn phải phân biệt đâu là những công việc ưu tiên cần phải làm, tuy nhiên trong thời gian thực hiện công việc bạn có thể dùng thủ thuật kết hợp để xen kẻ công việc quan trọng, điều này giúp bạn thư giản trong giây lát cũng như giúp bạn hoàn thành công việc trong thời hạn quy định.

Kết luận

Hãy làm ngay khi có thể, đừng chờ đợi một phép màu đến trong thụ động mà hãy chủ động để tìm kiếm. Cơ hội sẽ đến với bạn.



Sưu tầm

Sáng tạo là không chần chừ Phần 1



Chần chừ thì có liên quan gì đến sáng tạo, trong bài “Sáng tạo bị ngăn cấm bởi…..” trong đó có lý do là do dự, chần chừ, để hiểu rõ hơn hạn chế này, bạn hãy khám phá một số phân tích dưới đây.



Chần chừ là hiện tượng tâm lý hay thói quen xảy ra khi xuất hiện thời gian trống giữa công việc dự định làm cho đến khi việc đó được được bắt đầu.


Do dự, chần chừ, phân vân, ngần ngại, chờ chút, đợi tí nữa, mai hãy làm, rề rà.. là những suy nghĩ, câu nói thể hiện bạn đã không làm ngay một công việc mà chờ đến một thời điểm bạn cho rằng thuận lợi mới bắt tay vào.


Bạn có biết bao nhiêu thời gian đã bị lãng phí, bao nhiêu cơ hội đã bị tuột mất vì lý do này không?
Tại sao bạn luôn chần chừ


Bạn sẽ chần chừ vì
Bạn có nhiều thời gian,
Bạn chưa có ý tưởng hay hứng thú để làm việc này
Bạn quá bận rộn
Bạn cảm thấy lười biếng
Tâm trạng bạn không thoải mái
Bạn bị ép làm việc mà không yêu thích
Bạn cảm nhận việc này chưa đúng lúc để làm
Bạn sợ sẽ làm hỏng việc
Việc đó quá khó hoặc ngoài khả năng của bạn
Bạn sợ việc này làm quá tốt lần khác sẽ bị giao việc khó hơn
Bạn sợ chịu trách nhiệm nếu như bạn là người phá vỡ lề thói thông thường
Bạn cho rằng đây là việc chưa khẩn cấp
Bạn chưa đánh giá hoặc phân biệt công việc nào quan trọng và không
Bạn bị phân tâm hoặc tính hay lo ra
Hậu quả của việc chần chừ là gì?


Tất nhiên, ta đang nói về sáng tạo nghĩa là, chần chừ ngăn cản bạn trở thành một con người sáng tạo, suy nghĩ sáng tạo. Bên cạnh đó hậu quả mang lại dễ thấy nhất là năng suất làm việc của bạn bị giảm đi, những cam kết trong công việc sẽ không được thực hiện, sự tin cậy sẽ bị mất đi.

Sưu tầm

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015


Điều gì cản trở tư duy sáng tạo
Tôi không có..


Trong một cuộc họp, mọi người cần góp ý kiến cho một vấn đề, một vài ý kiến đưa ra, đến phiên bạn, mặc dù đã có ý kiến trong đầu nhưng bạn lại do dự vì cho rằng nó không thực tiễn hoặc không độc đáo. Để an toàn và tránh mắc sai lầm bạn nói: Tôi không có ý tưởng hoặc tôi không có ý kiến.

Bạn sao thế, tại sao lại đánh giá bản thân ngược lại với khả năng sáng tạo.

Tôi sợ người khác nghĩ…

Tâm lý e ngại va chạm, lo lắng người khác nghĩ mình chơi trội đã làm dừng bước dòng suy nghĩ của bạn, lời nói này không những không thúc đẩy bạn đưa ra ý tưởng mới mà còn ngăn bạn không dám nghĩ thêm điều gì khác cho dù chỉ thoáng qua.

Sáng tạo là một hành trình, hành trình này đôi khi chỉ có một mình bạn đi, cô đơn và khắc nghiệt đó là cảm giác bạn phải chấp nhận sống chung với nó, nhưng không sao, đã có biết bao người đã làm thế để mang đến một điều tốt đẹp cho cuộc sống này. Nếu chấp nhận, bạn cũng sẽ làm được.

Tôi không đủ thời gian ..
Bào chữa cho một vấn đề bạn có khả năng thực hiện hoặc bạn đã làm chưa tốt đó là lề thói thường thấy.

Nếu bạn chưa có đủ thời gian để suy nghĩ một vấn đề, một phần do bạn chưa biết cách nhưng phần lớn là do bạn không quyết tâm.

Nếu vấn đề đó quan trọng, bạn sẽ tìm ra thời gian để làm nó. Trong mọi hoàn cảnh, với sự thúc ép của thời gian bạn sẽ làm được những điều bất ngờ, hãy ngẫm lại giây phút ấy đã từng xảy ra trong đời bạn, đừng giới hạn năng lực khi bạn chưa thử và chưa làm hết sức.

Lỡ sai thì sao?

Bạn đang cân nhắc có nên hay không vì nếu cái điều bạn nói ra, công việc bạn sắp làm gây ra hậu quả cho bạn hoặc cho người khác sẽ làm bạn hối hận.

Nghĩ đến hậu quả của một vấn đề trước khi làm là điều tốt thế nhưng, nếu bạn chấm dứt ở đây thì rõ ràng ý tưởng của bạn cũng chấm dứt, sao bạn không làm cho rõ đó là hậu quả nào, có nghiêm trọng không, ảnh hưởng đến ai, ảnh hưởng thế nào, nó ra làm sao, hãy liệt kê nếu có thể. Làm thế để bạn có đủ bằng chứng thuyết phục lời nói thầm đó không ngăn cản bạn nữa.

Những cản trở này là Tính ì tâm lý. Qua các ví dụ trên, ta thấy tính ì tâm lý đóng vai trò có hại đến quá trình tư duy sáng tạo. Liệu có biện pháp nào để khắc phục và loại bỏ tính ì tâm lý hay không?

Câu trả lời là có. Phương pháp luận sáng tạo, môn khoa học về sáng tạo đã nghiên cứu tính ì tâm lý khá đầy đủ và đưa ra nhiều thủ thuật, công cụ nhằm khắc phục tính ì tâm lý và mang lại hiệu quả tư duy sáng tạo cao hơn.

Sưu tầm

Bảy phương thức khơi dậy sự sáng tạo và tận tụy với công việc



Nếu bạn hỏi 10 nhân viên rằng công ty có tạo cơ hội cho họ phát triển bản thân và năng lực của họ có được đánh giá đúng mức không? Chắc chắn sẽ có ít nhất bốn người trả lời là “không”.

Nếu bạn hỏi 10 nhân viên rằng công ty có tạo cơ hội cho họ phát triển bản thân và năng lực của họ có được đánh giá đúng mức không? Chắc chắn sẽ có ít nhất bốn người trả lời là “không”.

Tại sao vậy?

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới gặp nhiều biến động và đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, khiến cho nhiều công ty quan tâm đến vấn đề làm thế nào để tạo ra động lực khuyến khích sự sáng tạo và tận tụy với công việc của nhân viên. Một số công ty đã tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Nhưng việc này cũng trở thành một gánh nặng và đồng nghĩa với việc cắt giảm một số các chi phí khác, ví dụ như từ quỹ lương mà đáng lý ra để tăng lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, sự hạn chế trong phát triển và tăng trưởng của các công ty cũng giảm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của các nhân viên. Và những ảo tưởng trở thành các nhà quản lý của họ bị vỡ mộng vì những báo cáo liên tiếp về tình trạng tham nhũng xảy ra tràn lan ở nhiều công ty hàng đầu trên thế giới. Đó chính là nguyên nhân khiến họ cảm thấy thất vọng, cảm thấy mình chưa được đánh giá đúng mức và chưa được trả lương tương xứng với công sức đã bỏ ra.

Làm thế nào để tạo ra động lực khuyến khích nhân viên làm việc năng động và tích cực?

Ngày nay, việc tạo ra động lực khuyến khích nhân viên làm việc đang trở thành một vấn đề quan trọng nên nhiều nhà lãnh đạo đã tìm về với những tiêu chuẩn và phương pháp cơ bản lâu nay đã bị lãng quên. Đó là bảy phương pháp sau:

1. Tích cực tạo ra những cơ hội đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên của bạn:

Nhân viên dưới quyền bạn sẽ có động lực làm việc khi biết rằng họ sẽ có cơ hội được đào tạo và phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh có dấu hiệu chậm tăng trưởng, việc đầu tiên mà các công ty thường làm là cắt giảm ngân sách dành cho đào tạo. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy chỉ một nửa số nhân viên đang làm việc trong các công ty cảm thấy họ có cơ hội học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới cho công việc của mình.

2. Tạo ra sự liên kết hiệu quả giữa tiền thưởng với kết quả công việc:
Chỉ có khoảng ba trong số mười nhân viên cảm thấy công ty mình đang áp dụng và thực hiện thành công việc liên kết tiền thưởng với kết quả họ đạt được trong công việc.

Một sinh viên đang học năm thứ nhất tại một trường đại học, trong kỳ nghỉ hè, anh ta đi làm thêm tại một cửa hàng bán lẻ. Đó là công việc đầu tiên thực sự trong cuộc đời của anh ta. Giống như những gì anh ta được học tại trường, công ty này đã áp dụng chế độ khuyến khích nhân viên ký kết càng nhiều hợp đồng với khách hàng sẽ càng kiếm được nhiều tiền. Mỗi khi anh ta thuyết phục thành công một khách hàng ký kết hợp đồng mua hàng với công ty, anh ta sẽ nhận được 5 đô. Và đối một số sản phẩm đặc biệt, số tiền anh ta nhận được cho mỗi một hợp đồng được ký kết lên tới 10 đô.






Trở về nhà, anh ta đã kể với bố mình bằng một tâm trạng rất hào hứng rằng: “Bố ạ, những động cơ này đã thực sự khiến cho con tích cực làm việc. Tại trường, con đã được học các động cơ là một trong mười nguyên tắc kinh tế có tính chất chỉ dẫn, nhưng bây giờ con mới thực sự tận mắt chứng kiến và nhận ra tác dụng của nó.”. Anh ta còn nói thêm rằng: “Mỗi buổi sáng khi con thức dậy, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là làm thế nào để có thể tạo ra được nhiều hợp đồng bán hàng”.

3. Thiết lập rõ ràng các yêu cầu về công việc.

Một trong những lý do khiến nhân viên của bạn không tin rằng có sự gắn kết chặt chẽ giữa tiền lương mà họ được trả với công việc mà họ thực hiện, bởi vì họ không bao giờ được biết một cách chính xác những yêu cầu của bạn. Và như vậy họ sẽ không biết cần phải làm gì để được đánh giá là một người làm tốt công việc.

Trong khi đó, những nhà quản lý lại có những suy nghĩ ngược lại rằng nhân viên phải biết cách thực thi công việc thế nào là tốt và thế nào là không tốt. Nên biết rằng, nếu bạn không đưa ra được các tiêu chí để đánh giá sự thành công trong công việc, cũng như tiêu chuẩn để phân loại kết quả làm việc của nhân viên theo các cấp độ từ thấp đến cao một cách rõ ràng và rành mạch, nhân viên của bạn sẽ không có động lực hoàn thành tốt công việc.

4. Tạo cho nhân viên cơ hội được thể hiện và tận dụng hết khả năng và năng lực của họ.
Một phần ba số nhân viên không cảm nhận thấy họ đã được sử dụng hết những khả năng và năng lực mà họ có. Cảm giác được sử dụng hết những kỹ năng có giá trị và năng lực làm việc rất có ý nghĩa đối với các nhân viên. Nếu không có cảm giác đó, họ sẽ nhanh chóng mất đi những hứng thú đối với công việc.

Để tận dụng tối đa những khả năng của mọi người, bạn hãy hỏi xem họ thích làm việc gì, sau đó tạo cơ hội cho họ thể hiện và áp dụng các khả năng mà họ có.

5. Trao gửi niềm tin đối với nhân viên của bạn.

Một phần ba số nhân viên không cảm thấy họ có quyền đưa ra các quyết định mà họ cho là cần thiết để làm tốt công việc của mình. Bạn thử đặt mình vào vị trí của nhân viên và tự hỏi: Khi sếp giao cho bạn một công việc kèm theo là sự tin tưởng tuyệt đối bạn sẽ làm tốt, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào? Tin chắc là bạn cũng tin rằng bạn sẽ hoàn thành không những tốt mà là rất tốt công việc đó. Vì sao vậy? Đó chính là sức mạnh của sự tin tưởng.







Để làm giàu có và phong phú công việc, hãy tạo ra những thách thức, cho nhân viên quyền tự chủ, phát triển năng lực cá nhân và nhiều cơ hội để nói về cách thực thi công việc của họ.

Giao quyền và trách nhiệm cho nhân viên là một cách thức quản lý rất hiệu quả và đang là một xu hướng mới trong việc lãnh đạo các doanh nghiệp hiện nay.

6. Giúp cho nhân viên tin tưởng rằng họ là những người luôn luôn chiến thắng.

Có những đội ngũ nhân viên có truyền thống luôn thành công, trong khi có những bộ phận khác lại hay vấp phải những thất bại? Bạn nên nhớ rằng, thành công là một trong những động lực rất quan trọng khiến cho nhân viên của bạn làm việc tích cực và hăng hái. Thông thường, thành công lại làm nảy sinh ra nhiều thành công liên tiếp sau đó. Và những nhân viên của bạn, chắc chắn chỉ muốn là thành viên trong những bộ phận luôn gặt hái được nhiều thành công.

Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà lãnh đạo lại thường nói về những thất bại nhiều hơn là thành công. Bạn nên chia sẻ những thông tin tốt lành và cám ơn nhân viên về những đóng góp của họ đối với sự thành công của công ty.

7. Hãy giúp nhân viên của bạn nhận ra một điều: cảm giác được làm việc quan trọng và hữu ích hơn rất nhiều so với cảm giác chỉ đơn thuần là có một công việc để làm.
Có ba người lái xe cần tìm việc làm. Nhà tuyển dụng đã đưa họ đến trước một chiếc ô-tô tải sắp chuyển động, có chất một số thùng hàng trên xe. Người đầu tiên được hỏi: “Thử đoán xem bạn sẽ làm gì và đi đâu với chiếc ô-tô tải này?”. Anh ta trả lời ngay rằng: “Tôi không quan tâm đến việc tôi sẽ làm gì và đi đâu. Tôi chỉ biết là tôi cần có một công việc, và thời gian của tôi được dùng để làm công việc này”. Anh ta còn nói thêm: “Thời gian của tôi được tính bằng tiền. Nếu tôi làm việc càng nhiều, số tiền tôi kiếm được sẽ càng lớn”.

Người thứ hai cũng được hỏi câu hỏi tương tự như vậy, và anh ta trả lời rằng: “Tôi nghĩ tôi sẽ chuyển những thùng hàng trên xe tải đến một ngôi nhà nào đó”.

Còn người thứ ba đã trả lời thế này: “Những gì mà tôi sẽ làm có thể sẽ rất quan trọng và có ý nghĩa với ai đó. Có thể, tôi sẽ giúp đỡ một gia đình trẻ nào đó bắt đầu một cuộc sống mới tại đây, trên vùng biển đông này”.

Nếu bạn là nhà tuyển dụng, trong ba người đó, bạn sẽ nhận ai vào làm việc?
Nếu muốn nhân viên của bạn thực sự có động cơ làm việc tích cực, bạn nên giúp họ hiểu sâu sắc hơn về những gì liên quan đến công việc của họ, cho họ hiểu chính họ đang thực hiện những chức năng rất quan trọng đối với khách hàng.
***
Lãnh đạo là một nghệ thuật kích thích con tim và khối óc của những con người bình thường để đạt được những kết quả phi thường. Có thế mới biết để trở thành một nhà lãnh đạo không hề dễ dàng. Tuy nhiên, rất may là bên cạnh một phần rất nhỏ của yếu tố bẩm sinh, nghệ thuật lãnh đạo hoàn toàn có thể học được. Và 7 phương pháp trên là các bài học mà nhiều nhà lãnh đạo tài năng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới đã học và áp dụng thành công.



Sưu tầm

Wlike.vn

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015


Kỹ năng sáng tạo dành cho người không sáng tạo




Đừng bao giờ nghĩ rằng mình là người không có khả năng sáng tạo. Nó vẫn đang ngủ quên trong bạn đó. Tôi sẽ giúp bạn đánh thức nó dậy. Biết đâu, sức sáng tạo của bạn còn hơn cả các nghệ sĩ thì sao?



Tại sao bạn không sáng tạo?

Khi bạn nghĩ mình không phải là một người có khả năng sáng taọ thì thực chất là bạn chỉ đang để sức ỳ tâm lý hay còn gọi là tư duy theo lối mòi của mình che mất sức sáng tạo tiềm tàng trong bạn mà thôi.

Mỗi người làm việc, không thể không suy nghĩ và đòi hỏi cải tiến công việc phải là cơ sở cho mọi suy nghĩ của chúng ta. Nói cách khác, mỗi người chúng ta đều cần suy nghĩ để sáng tạo. Tư duy sáng tạo là tài nguyên cơ bản nhất của mỗi con người. Chúng ta cần sáng tạo vì chúng ta luôn có nhu cầu làm cho mọi việc trở nên đơn giản hơn và tốt hơn. Và bạn đừng bao giờ đặt câu hỏi mình có phải là người sáng tạo hay không mà hãy tự hỏi là cần những gì để sự sáng tạo của mình được phát huy tốt hơn.

Bản chất của sự sáng tạo

Có thể bạn đã từng nghe qua những khái niệm như phương pháp luận sáng tạo hay khoa học sáng tạo…, nghe thật to tát và bạn nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi được “định mệnh”. Hiếu Học có biết một phương pháp được gọi là SAEDI. Thực chất không phải là từ gì quái dị, nó là từ IDEAS viết lộn ngược. Ðôi khi, sáng tạo chỉ đơn giản là việc bạn nhìn mọi thứ theo chiều khác đi.

- S = State of mind (cách suy nghĩ): Tự nói rằng “Tôi chẳng sáng tạo chút nào” hoặc “Tôi chẳng bao giờ có ý tưởng gì hay ho đâu” sẽ huỷ hoại sức sáng tạo của bạn. Nghĩ sáng tạo đòi hỏi nghĩ tích cực.

- A = Atmosphere (không khí). Có những người thích ở nơi đông người mới nghĩ ra nhiều thứ. Có những người lại phải ngồi một mình yên tĩnh mới sáng suốt được. Bạn hãy tạo cho căn phòng mình có không khí tuỳ theo sở thích. Nếu bạn có nhiều ý tưởng khi đang… đi, hãy chăm đi dạo ở công viên, bờ hồ… Trang trí phòng bạn bằng những bức ảnh, ánh sáng… mà bạn thích.

- E = Effective thinking (Nghĩ hiệu quả). Nghĩ hiệu quả tức là hướng suy nghĩ của bạn đến những mục đích cụ thể. Không có mục đích thì bạn sẽ làm rối hết mọi việc lên.

- D = Determination (Quyết tâm). Sự sáng tạo đòi hỏi có luyện tập. Bạn nên tạo thói quen tưởng tượng. Những ý tưởng ban đầu của bạn có vẻ hết sức buồn cười và không ai chấp nhận, nhưng đừng bỏ cuộc.

- I = Ink (viết). Khi bạn nhìn vào những thứ bạn viết ra, bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn là chỉ nghĩ đến nó.

Những bài tập sáng tạo

Nếu bạn cần giao tiếp nhưng bạn không thể sử dụng từ ngữ, dù viết hay nói, thì bạn làm cách nào? Một người đã đưa ra những ý sau: ngôn ngữ cử chỉ, dùng trống, dùng đồ vật, dùng đèn nhấp nháy, vẽ…

Bạn hãy đặt ra những câu hỏi cho những đồ vật thường ngày, ví dụ: “Nếu thang máy không chỉ đi lên và xuống mà còn từ đầu này sang đầu kia thì sẽ thế nào?”, “Nếu mỗi cơ quan yêu cầu mỗi ngày mỗi người phải cười ít nhất 30 phút thì sao?”…

Vấn đề của một công ty bán khoai tây chiên: khoai tây chiên thường rất dễ vỡ vụn khi đóng gói, vận chuyển…, vậy làm thế nào? Bạn có thể bắt đầu bằng việc nghĩ ra cách đóng gói và vận chuyển mà không làm khoai tây bị vỡ. Sau đó, suy luận: về bản chất thì cái gì giống miếng khoai tây chiên, chúng có dễ vỡ không?…

Với một cuốn sổ tay thì bạn có thể sáng tạo theo cách nào? Sức ỳ tâm lý rất dễ làm cho đa số mọi người nghĩ rằng “sổ tay thì còn gì để sáng tạo nữa!”. Nó rõ ràng đến phát bực mình! Nhưng vẫn có những ý tưởng của những người không chịu thua: Sổ tay đổi màu; Sổ biết đọc những thứ mình viết lên; Sổ sửa lỗi chính tả; Sổ hình tròn; Sổ có thể dán giấy lên mà không cần hồ dán; Sổ có thể dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh…


Sưu tầm
Wlike.vn


Những điều cơ bản giúp bạn tạo động lực cho nhân viên




Đối với hầu hết các nhân viên, thỏa mãn với công việc có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp tạo ra thái độ làm việc tích cực, hăng say, cho ra kết quả cao trong công việc. Bạn muốn nhân viên của mình vui vẻ, năng động, và làm việc hiệu quả? Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo động lực làm việc cho nhân viên hiệu quả nhất?


bài viết sau đây của Dave Lavinsky – trong đó là những chia sẻ kinh nghiệm của tác giả sau nhiều năm làm việc, nghiên cứu. Theo các bước đơn giản sau sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo động lực thúc đẩy nhân viên làm việc tích cực.




Qua nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, và làm việc với các công ty thuộc mọi quy mô, ngành nghề, tôi đã xác định được 16 cách quan trọng để tạo động lực làm việc cho nhân viên. Hãy tìm hiểu các phương pháp sau và áp dụng thường xuyên trong doanh nghiệp của bạn.


1. Giúp nhân viên cảm thấy họ đang làm những việc có ý nghĩa


Một cuộc khảo sát gần đây của BNET với câu hỏi, “Điều gì thúc đẩy bạn làm việc?”


Kết quả cho thấy làm một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng hơn tiền bạc hoặc sự ghi nhận đối với nhân viên của bạn. Hai mươi chín phần trăm số người được hỏi cho biết rằng làm một điều gì có ý nghĩa là động lực thúc đẩy nhất trong công việc. Tiền bạc chiếm 25%, và sự công nhận là 17%.


Vì vậy, cách đầu tiên để khuyến khích nhân viên của bạn là làm cho họ cảm thấy rằng họ đang làm một điều gì đó có ý nghĩa. Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu của công ty, đặc biệt kéo theo sự tham gia của nhân viên trong việc tạo lập chúng – sẽ thúc đẩy họ đạt được những mục tiêu và giúp họ cảm thấy rằng họ đang làm một cái gì đó có ý nghĩa.


2. Giao tiếp hiệu quả và chia sẻ thông tin


Bạn cũng phải thường xuyên chia sẻ những thông tin mới để đảm bảo rằng nhân viên của bạn đưa ra quyết định tốt.


Bạn luôn luôn phải cho nhân viên biết cách mà tổ chức đang tiến tới đạt mục tiêu. Thiết lập KPIs (các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) và thông báo kết quả KPI hàng tháng sẽ cho phép bạn đạt được điều này.


3. Cung cấp cho nhân viên bản mô tả công việc và trách nhiệm rõ ràng


Điều quan trọng là bạn cung cấp cho mỗi nhân viên bản mô tả công việc và trách nhiệm rõ ràng. Sẽ là không đủ nếu chỉ nêu trách nhiệm của mỗi vị trí, đúng hơn là, bạn phải chỉ rõ kết quả mong đợi và các nhiệm vụ. Ví dụ, mô tả vai trò của người quản lý dịch vụ khách hàng là có thể xử lý tất cả các cuộc gọi dịch vụ khách hàng trong nước. Kết quả mong đợi, tuy nhiên, có thể là trả lời cuộc gọi trong vòng ít hơn 15 giây, kết quả 90% sự hài lòng của khách hàng. Chỉ bằng cách xác định vai trò, kết quả dự kiến ​​và trách nhiệm, bạn có thể có được những gì bạn muốn từ nhân viên.


4. Cho và nhận thông tin phản hồi kết quả làm việc liên tục


Khi mọi việc trở nên lạc hướng, đừng đổ lỗi. Bạn cần thay thế câu hỏi “Ai?” cho câu hỏi “Tại sao?”. Ví dụ, thay vì nói: “Ai làm ra thế này?” Nói, “Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện quá trình này hoặc tránh việc tương tự diễn ra trong tương lai?”


5. Tin – và bộc lộ – sự tin tưởng


Hầu hết con người có lòng tự trọng tương đối mong manh. Nếu bạn không tin tưởng nhân viên của bạn có thể làm một cái gì đó, họ cũng sẽ không tin rằng họ có thể, và họ sẽ không làm. Bạn phải có niềm tin vào họ. Bạn không thể chỉ nói rằng bạn có niềm tin: bạn cần bộc lộ để nâng cao sự tự tin của họ vào khả năng của chính mình.


Để đạt được điều này, cho nhân viên của bạn một số quyền hạn để tự đưa ra quyết định. Hãy cho họ quyền sở hữu đối với các dự án mang tính thử thách và quyết định làm thế nào để hoàn thành chúng. Mặc dù đó có thể là một thách thức cho bất kì người quản lý nào, bạn phải để cho họ thất bại đôi lần và không tức giận vì điều đó.


6. Lắng nghe, tập trung, và tôn trọng nhu cầu của nhân viên


Bạn có thể biết đến điều này trước đây, nhưng nó có giá trị lớn nếu lặp đi lặp lại trong kỹ năng lãnh đạo, lắng nghe quan trọng hơn là nói. Tôi thích câu trích dẫn: “Đoàn kết khi hỏi. Chia ra để trả lời”. Đặt câu hỏi với nhóm sẽ khiến họ tham gia, chỉ định các câu trả lời sẽ khiến họ hòa hợp.


7. Ghi nhận những nhân viên xứng đáng


Ghi nhận là một động lực tuyệt vời. Adrian Gostick và Chester Elton – tác giả cuốn sách “Nguyên tắc Cà rốt”, trong đó là một nghiên cứu hơn 200.000 nhân viên tiến hành trong khoảng thời gian 10 năm. Nghiên cứu cho thấy rằng các nhà quản lý thành công nhất cho nhân viên của họ sự công nhận thường xuyên và hiệu quả. Trong thực tế, họ thấy rằng các nhà quản lý nhận ra kết quả kinh doanh tốt lên đáng kể khi họ công nhận nhân viên trong các hình thức khen ngợi mang tính xây dựng chứ không phải là tiền thưởng.


8. Đãi ngộ công bằng


Trước tiên, bạn phải trả một mức lương mà các nhân viên cảm thấy hợp lý. Thứ hai, bạn phải trả thêm cho các công việc ngoài giờ. Điều này có nghĩa là bạn thiết lập những kỳ vọng cho mức lương cơ bản trong khi cũng có các khoản tiền thưởng và xác định rõ mục tiêu. Điều này sẽ buộc nhân viên phấn đấu để đạt được các mục tiêu mà bạn đã vạch ra.


9. Thúc đẩy Đổi mới


Quản lý phải nhận ra rằng phần lớn các sáng kiến ​​đến từ các nhân viên liên quan trực tiếp. Họ là những người đang trực tiếp sản xuất các sản phẩm hoặc thiết kế các dịch vụ, những người giao dịch với khách hàng, và những người đang giải quyết vấn đề hàng ngày. Như vậy, Đổi mới phải được khuyến khích.


10. Thiết lập các chính sách công bằng hỗ trợ các mục tiêu của Công ty


Phát triển các chính sách công bằng hỗ trợ các mục tiêu của Công ty sẽ giúp khuyến khích nhân viên của bạn. Ví dụ, bạn không thể cho việc tham dự một cuộc hội thảo là việc riêng cá nhân nếu bạn muốn khuyến khích học tập liên tục. Thay vào đó, đảm bảo các chính sách và hành động của bạn khuyến khích thông tin phản hồi của nhân viên, hợp tác, và ra quyết định.


11. Lấy thông tin đầu vào liên tục từ nhân viên


Bạn muốn nhân viên tham gia giúp thiết lập các mục tiêu để họ thực sự liên quan đến chúng. Lấy ý kiến thông tin từ nhân viên trong các quyết định, kế hoạch quan trọng.


Hiểu rằng, là người lãnh đạo, bạn sẽ đưa ra các quyết định, kế hoạch cuối cùng. Thậm chí thu hút phản hồi sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin và ý tưởng và khiên cho họ cảm thấy được sự tham gia.


12. Quản lý, nhưng không quản lý sát sao


Nhân viên không thích bị quản lý sát sao. Điều quan trọng là phân biệt sự khác nhau giữa điểm danh và kiểm soát nhân viên của bạn.


Tương tự như vậy, khi quản lý, không yêu cầu chi tiết làm thế nào để hoàn thành một dự án. Hãy nhớ rằng, các nhân viên không thể phát triển và đạt được những kỹ năng mới nếu bạn nói với họ chính xác làm cái gì cho tất cả các dự án mà họ làm. Họ cần một cảm giác tự chủ để cảm nhận rằng họ thành công.


13. Khuyến khích làm việc nhóm


Hầu hết các dự án bạn hoàn thành sẽ yêu cầu đầu vào từ một số nhân viên trong tổ chức của bạn. Khuyến khích các nhân viên làm việc như một nhóm chứ không phải là một nhóm các cá nhân để hoàn thành dự án. Cách dễ nhất để làm điều này là lập một cuộc họp ban đầu, giới thiệu họ như một đội, và cung cấp cho họ đủ quyền tự chủ để họ hoạt động như một nhóm.


14. Thay đổi phương pháp quản lý đối với các nhân viên khác nhau


Một số nhân viên có thể cần hoặc muốn dẫn dắt và huấn luyện, trong khi những người khác yêu cầu ít hơn. Điều quan trọng là hiểu mỗi nhân viên và xác định cách tốt nhất để lãnh đạo họ.


15. Cho nhân viên cơ hội phát triển bản thân


Bởi vì những người có cơ hội để phát triển các kỹ năng và chuyên môn sẽ tự hào về công việc, bạn nên khuyến khích các nhân viên trong tổ chức đạt được những kỹ năng mới. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, chẳng hạn như cung cấp các Chương trình đào tạo và các cơ hội khác để phát triểnnhững kỹ năng mới.


16. Sa thải khi cần thiết


Công cụ cuối cùng để động viên nhóm của bạn là sa thải nhân viên khi cần thiết. Nhân viên kém có thể giết chết cả một tổ chức. Khi nhân viên khác nhìn thấy những cá nhân này vẫn được tiếp tục với năng suất thấp, họ cũng sẽ bắt đầu hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, sa thải – miễn là bạn giải thích lý do tại sao – thực sự có thể khuyến khích nhân viên của bạn.


(Theo Dave Lavinsky, lược dịch từ Fast Company)


Sưu tầm

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015


Thời của doanh nghiệp sáng tạo

Đặc điểm của thị trường hiện đại là cạnh tranh mang tính toàn cầu và ngày càng khốc liệt, cạnh tranh về giá đã nhường bước cho cạnh tranh về chất lượng và tốc độ, khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn và được chiều chuộng hơn thông qua cạnh tranh.





Các doanh nghiệp cần nhìn lại mình để đổi mới sáng tạo

Trong điều kiện này, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam – trong đó hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là gần gũi với khách hàng; nhanh chóng phản ứng nhanh với những nhu cầu của khách hàng; luôn có sự hỗ trợ của nhà nước do vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế, và xã hội. Vì vậy, DNNVV cần biến những lợi thế này thành sức mạnh cạnh tranh của mình.

Có thể nói, trong cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, DNNVV với một nguồn lực hạn hẹp luôn lo sợ lợi thế kinh tế theo qui mô và sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp lớn. Thực ra ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng luôn tránh cuộc cạnh tranh đối đầu về giá vì cạnh tranh về giá luôn là cuộc cạnh tranh tàn phá dẫn tới sự lừa dối khách hàng bằng việc ăn cắp “chất lượng”. Các DNNVV cần phát huy những lợi thế của mình, biết bảo vệ tài sản trí tuệ (những bí quyết, những ý tưởng…) của mình, không ngừng sáng tạo, đổi mới từ đó thoát khỏi cuộc cạnh tranh đối đầu về giá.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP HCM, một con số khiến các chuyên gia kinh tế sửng sốt: chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam vô cùng thấp, chỉ vào khoảng 0,2-0,3% trên tổng doanh thu… Trong khi, tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản gần 50%. Không quá ngạc nhiên khi tới giờ, sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản thường gắn liền với chất lượng cao, công nghệ tiên tiến.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, chính việc lơ là đổi mới sáng tạo, cộng với những tác động không nhỏ của khủng hoảng kinh tế thế giới đang đẩy nhiều DNNVV vào tình cảnh hoạt động không mấy sáng sủa. Lâu nay, tại các diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp, kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra với các Bộ, ngành bao giờ cũng là vấn đề ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai, nhà xưởng… rất ít khi là những kiến nghị về hỗ trợ đổi mới công nghệ hay hỗ trợ sáng chế, sáng tạo. Kết quả là những con số đáng báo động: đa số doanh nghiệp Việt Nam còn đang sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó 52% doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình và 10% là thiết bị hiện đại. Nhiều ngành sản xuất hiện nay như dệt may, da giày, khai thác khoáng sản vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thì rất thấp. Công nghệ lạc hậu đã không cho phép những ngành này có thể tự chủ về nguồn nguyên liệu chất lượng cao, phải nhập khẩu nguyên liệu và xuất gia công rẻ mạt.

Để thực trạng này kéo dài nhiều năm nay, có một phần lỗi của doanh nghiệp, trong đó nhận thức của người lãnh đạo là quan trọng hàng đầu. Không ai có thể làm thay họ trong quyết định đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu thay vì đầu tư vào những lĩnh vực “ăn xổi”. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa từ môi trường chính sách. Nhiều đề tài, giải pháp hữu ích không tìm được người mua, trong khi doanh nghiệp nhiều khi cần thông tin thực sự về công nghệ trong nước thì không biết “gõ cửa” ở đâu.

Cạnh tranh khốc liệt trong giai đoạn hội nhập và ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế đang là thách thức với doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Giờ là lúc cần nhìn lại mình để đổi mới sáng tạo. Thay vì lo sợ một ngày nào đó doanh nghiệp gặp nguy hiểm thì hãy coi giai đoạn này là thời cơ để đổi mới, vượt lên chính mình.


Sưu tầm

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015


Bí quyết Sáng tạo Đột phá!

Bạn đã từng nảy ra một ý tưởng? Nó làm bạn háo hức tới mức mất ăn mất ngủ? Bạn cảm thấy tràn ngập khí thế ngay cả lúc tắm? Bạn muốn thực hiện nó lắm… và bạn chia sẻ với 1 người, 2 người, 3 người… họ đều bảo nó phi “thực tế”.. Bạn bắt đầu nghĩ “hình như nó… viển vông”… bạn đấu tranh nội tâm ghê lắm… và ý tưởng đó hiện giờ đang nằm xó nào rồi nhỉ?

Nếu bạn đã từng rơi vào tình huống như trên, xin chúc mừng! Bạn có khả năng sáng tạo, vì ít nhất bạn cũng đã từng nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ! Và bạn đã đối mặt với thách thức phổ biến, những thứ “viển vông” thường có xu hướng bị… vùi dập bởi những bộ óc “thực tế”. Bản thân mình cũng đã trải nghiệm nhiều tình huống tương tự, những ý tưởng đưa ra được đánh giá khá thú vị, song khi qua màn kế hoạch thì thường phải ngậm ngùi nhường chỗ cho những ý tưởng “thực tế” hơn. Mình băn khoăn làm thế nào để tạo ra những ý tưởng đột phá, tức là không những thú vị mà còn khả thi?





Trong khi đang quay cuồng với mớ câu hỏi đó, cũng như những cảm xúc tiêu cực tạo ra vì một niềm tin rằng “mình rất phi thực tế”… thì gần đây một “cú đánh” đã khiến mình sực tỉnh! Trong cuốn sách “Cú đánh thức tỉnh trí Sáng tạo” nổi tiếng, Roger von Oech đã phang vào đầu mình hai câu chuyện có thực. Hai câu chuyện đã giúp mình nhận ra một “thực tế” ít ai biết, đó là : quá trình SÁNG TẠO đột phá hóa ra lại cần cả hai yếu tố: “viển vông” và “thực tế”.


Câu chuyện thứ nhất kể về sơn tường nhà bạn. Nước sơn sau vài năm sẽ tróc ra và cần cạo đi để sơn mới, song việc cạo sơn khá vất vả. Một kỹ sư đã nảy ra một ý tưởng thú vị là trộn thuốc nổ vào sơn tường, sau đó muốn tróc ra hết thì chỉ một mồi lửa là xong! Rõ ràng là một ý tưởng phi thực tế, ngoài việc gây nguy hiểm ra thì cũng khỏi cần sơn luôn (có nguy cơ tường sập!). Song có một công ty đã nhìn vào khía cạnh tích cực của ý tưởng đó. Nó đã mở ra một hướng mới: “liệu có một cách nào đó khiến sơn tự động bong ra không?” và họ đã nghiên cứu ra được một chất phụ gia trộn vào sơn, khi có một chất phụ gia khác quết lên lớp sơn đó thì phản ứng hóa học sẽ khiến cho lớp sơn cũ bong ra! Như vậy là, một ý tưởng “viển vông” đã mở đường cho một phát minh “thực tế” thật tuyệt!

Câu chuyện thứ hai kể về một thành phố của Hà Lan từng gặp vấn đề rác thải, ban quản lý thành phố phải họp nhau lại và đưa ra nhiều giải pháp, từ việc tăng gấp đôi tiền phạt khi vứt rác không đúng quy định cho tới tăng số lượng người tuần tra để phát hiện vi phạm, song chỉ hiệu quả chút ít. Cuối cùng có người nảy ra ý tưởng “trả tiền cho những người nhặt rác bỏ vào thùng”, tất nhiên ý tưởng này là phi “thực tế” vì nếu làm như vậy chắc chắn thành phố sẽ phá sản.

Song nó đã mở ra một hướng mới là thay vì phạt người xả rác lung tung, hãy thưởng người chấp hành quy định. Và ban quản lý thành phố đã cho nghiên cứu phát triển một loại thùng rác điện tử, mỗi lần bạn bỏ rác vào nó lại phát ra một câu chuyện để chọc cười mọi người, từ đó thành phố sạch hẳn! Một ý tưởng “viển vông” đã lại mở đường cho một phát minh “thực tế” đầy ngoạn mục!

Khi bị “đánh” 2 cú liên tiếp, mình nhìn lại tất cả những lần chia sẻ ý tưởng trước đây và phát hiện ra một sai lầm phổ biến trong những cuộc thảo luận liên quan tới sáng tạo. Mặc dù trên bàn họp có thể có đủ những người hay đưa ra những ý tưởng “viển vông” và đủ những người có óc phân tích “thực tế”, đầy đủ cả 2 yếu tố đó chứ? Song vấn đề ở chỗ “viển vông” và “thực tế” là hai giai đoạn của quá trình Sáng tạo Đột phá song lại hay bị nhập làm một. Thế là người “viển vông” thì cố gắng bay lên cao, người “thực tế” thì cứ thế kéo xuống, hậu quả là lơ lửng tại chỗ, không đi tới đâu cả.

Hoặc có những nhóm biết BrainStorm, dành 5-10 phút để viết ra mọi ý tưởng, sau đó bắt đầu đánh giá, chọn lựa song nhiều thì cũng chưa chắc đã có nhiều ý tưởng đột phá. Nguyên nhân ở chỗ nếu như họ không mắc sai lầm nhập hai quá trình “viễn vông” và “thực tế” vào làm một, thì họ lại vô tình tách rời hai quá trình đó quá xa nhau mà không có sự kết nối. Thành ra sau khi “viễn vông” đã đời với nhiều ý tưởng, thì trong quá trình “thực tế” họ tập trung loại bỏ những ý tưởng phi thực tế, thành ra cuối cùng tất nhiên kết quả là sẽ có những ý tưởng khá thực tế song không đột phá.

Vậy thì giải pháp ở đây là gì? Làm sao để Sáng tạo Đột phá? Kết hợp với nghiên cứu về sáng tạo của Roger Von, cùng với kinh nghiệm thực tế của bản thân, mình đã đúc rút ra một quy trình cực kì đơn giản và dễ nhớ giúp bạn và nhóm của bạn Sáng tạo Đột phá đó là :

Cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi, TẠO







Sáng tạo Đột phá là một quá trình bao gồm 4 giai đoạn rõ ràng.
Giai đoạn “cần SÁNG TẠO”
Một sáng kiến đột phá cần bắt nguồn từ một nhu cầu rõ ràng. Hãy làm rõ nhu cầu bằng cách viết ra tất cả những băn khoăn, những vấn đề cần giải quyết dưới dạng câu hỏi rõ ràng cho tất cả mọi người cùng nhìn thấy. Tôi đang cần giải quyết vấn đề gì cụ thể? Tôi đang băn khoăn điều gì cụ thể?

Giai đoạn “hãy SÁNG”
Hãy nhớ không có gì là hoàn hảo, nên những ý tưởng mới đưa ra thường chưa hoàn thiện, song nó có thể là tia sáng cuối đường hầm, là cánh cửa mở ra một hướng đi hoàn toàn mới mà trước đó chưa ai từng khai phá. Do vậy, hãy trân trọng tất cả những ý tưởng đưa ra, dù là “viển vông” nhất.

Để có những ý tưởng khác biệt và “viển vông” nhất có thể, có một số mẹo nhỏ :

1. Phân tích & liên kết từ khóa (tham khảo Bí wyết Sáng tạo)
2. Nhập vai vào nhân vật khác và đặt câu hỏi. Ví dụ
:
– Một đứa nhóc 7 tuổi sẽ nghĩ những gì trong tình huống này?
– Mr.Bean sẽ có những cách nào để giải quyết vấn đề này?
– Một khách hàng khó tính sẽ nghĩ những gì về điều này?

3. Tìm đến một sự vật hay hiện tượng thiên nhiên và tự hỏi có gì liên quan. Ví dụ :
– Cách bố trí các vân trên lá cây có sẽ giúp được chúng ta những gì?
– Một cái phễu thì có những gì liên quan tới vấn đề chúng ta đang đối mặt?
– Những con kiến trong tổ kiến sẽ gặp những khó khăn nào giống chúng ta?
Nếu để ý bạn sẽ thấy trong các câu hỏi bên trên có rất nhiều từ “những”. Với cách đặt câu hỏi “có những cách nào? có những gì?” bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều hướng suy nghĩ hơn.

Một lưu ý đặc biệt là để tránh sa lầy vào một luồng tư tưởng cá nhân nào đó, ở giai đoạn “hãy SÁNG” này hãy dành cho mỗi người ít nhất từ 3 đến 5 phút TĨNH LẶNG để suy nghĩ và viết ra những ý tưởng lóe lên trong đầu mình. Sau đó mọi người có thể chia sẻ những ý tưởng mà mình đã viết ra giấy.

Giai đoạn “rồi”

Đây là một giai đoạn quan trọng song thường bị bỏ qua. Các ý tưởng ở giai đoạn SÁNG có vai trò chính là những cánh cửa mở ra hướng đi mới, nhiệm vụ của bạn bây giờ là thử xem chúng sẽ dẫn tới đâu. Hãy xem xét lại từng ý tưởng và liên tục đặt những câu hỏi :

- Ý tưởng này có giá trị như thế nào?

- Ý tưởng này mở ra một hướng suy nghĩ nào khác biệt?

- Ý tưởng này sẽ dẫn chúng ta tới những ý tưởng nào khác?

Cứ thử đi và bạn sẽ ngạc nhiên bởi những sáng kiến tuyệt vời được mở đường từ những ý tưởng đôi khi rất ngộ nghĩnh, thậm chí là viển vông nhất.

Giai đoạn “TẠO”


TẠO ở đây là TẠO DỰNG, hay một cách nói khác của HÀNH ĐỘNG, chỉ HÀNH ĐỘNG mới tạo ra KẾT QUẢ. Đơn giản là sau đã có danh sách các ý tưởng hoàn thiện, hãy tìm ra và sắp xếp chúng theo các mức độ ưu tiên khác nhau, hãy ưu tiên nguồn lực thực hiện những ý tưởng ĐƠN GIẢN NHẤT mà tạo ra nhiều GIÁ TRỊ NHẤT trước và đảm bảo lưu giữ những ý tưởng khác để tra cứu khi cần.

Đó là quá trình SÁNG TẠO ĐỘT PHÁ, bạn cũng không cần phải nhớ nhiều, chỉ cần bạn nhớ Hãy trân trọng mọi Ý TƯỞNG và khi “cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi, TẠO!” Bạn sẽ đạt mọi kết quả mong muốn!

Một điều cuối cùng, SÁNG TẠO vừa là một khả năng, vừa là một thói quen và bạn hoàn toàn có thể rèn luyện. Có một cách giúp mình luôn duy trì sự Sáng tạo của bản thân là mỗi ngày trôi qua, cho dù ngày đó có gì xảy ra, vừa ý hay không vừa ý, mình đều nhìn lại chúng dưới một góc nhìn thú vị; nó không chỉ giúp bạn Sáng tạo hơn mà còn giúp bạn rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày!


Sưu tầm 

5 cấp độ của tư duy sáng tạo


Doanh nghiệp nào cũng muốn đội ngũ nhân viên của mình biết làm việc sáng tạo. Bản thân các nhân viên cũng hiểu là nếu phát huy được tính sáng tạo trong công việc thì họ sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp, được sự thừa nhận của doanh nghiệp và xã hội. Nhưng khi đề cập chi tiết hơn thì khái niệm “tư duy sáng tạo” thường chỉ được nhiều người quan niệm đại khái, chung chung.


Doanh nghiệp nào cũng muốn đội ngũ nhân viên của mình biết làm việc sáng tạo. Bản thân các nhân viên cũng hiểu là nếu phát huy được tính sáng tạo trong công việc thì họ sẽ thăng tiến trong nghề nghiệp, được sự thừa nhận của doanh nghiệp và xã hội.

Nhưng khi đề cập chi tiết hơn thì khái niệm “tư duy sáng tạo” thường chỉ được nhiều người quan niệm đại khái, chung chung.Theo các chuyên gia về rèn luyện khả năng sáng tạo của con người, năng lực tư duy sáng tạo được thể hiện qua ít nhất năm cấp độ dưới đây.

1. “Nhận ra nhu cầu cần có cách tiếp cận mới” là cấp độ thấp nhất (cấp độ 5), tương ứng với khi người nhân viên biết:

– Vui vẻ đón nhận ý tưởng mới.
– Xem xét lại cách tiếp cận truyền thống và tìm các giải pháp có thể có.
– Nhận ra lúc nào cần một cách tiếp cận mới, tham khảo thông tin để hướng về cách tiếp cận mới.

2. “Thay đổi các cách tiếp cận hiện có” là cấp độ cao hơn (cấp độ 4), xuất hiện khi các nhân viên biết:

– Phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của các cách tiếp cận hiện có.
– Thay đổi và làm cho các cách tiếp cận hiện có thích hợp hơn với nhu cầu.
– Nhận diện được các giải pháp khác nhau dựa vào những gì đã biết.
– Thấy được một giải pháp tối ưu sau khi cân nhắc những điểm mạnh và điểm yếu của các cách tiếp cận khác.




3. “Đưa ra cách tiếp cận mới” là cấp độ 3, tương xứng với lúc các nhân viên biết:

– Tìm kiếm các ý tưởng hoặc giải pháp đã có tác dụng trong các môi trường khác để áp dụng chúng tại doanh nghiệp của mình.
– Vận dụng các giải pháp đang có theo cách mới lạ hơn nhằm giải quyết vấn đề với hiệu quả cao hơn.
– Nhìn thấy được các triển vọng tốt khi tiếp tục vận dụng các giải pháp đang có theo vài cách mới lạ khác.

4. Cao hơn nữa, họ tiến đến cấp độ 2 là “Tạo ra khái niệm mới” khi có được khả năng:

– Tổng hợp các khái niệm cần thiết để định hình một giải pháp mới.
– Tạo ra các mô hình và phương pháp mới cho doanh nghiệp.
– Nhận diện được các giải pháp linh hoạt và thích hợp cũng như xác định được các tiêu chuẩn về chuyên môn và về tổ chức tương ứng với giải pháp mới.

5. Cao hơn cả là cấp độ 1

– “Nuôi dưỡng sự sáng tạo”, nhưng năng lực này chỉ có ở rất ít chuyên gia quản trị, bao gồm:
– Có khả năng phát triển một môi trường nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, luôn kích thích mọi người thi đua tìm tòi các giải pháp sáng tạo.
– Khuyến khích mọi người thử nghiệm ý tưởng mới khác hẳn cách làm truyền thống.
– Hỗ trợ cho việc thử nghiệm ý tưởng mới nhằm biến ý tưởng thành hiện thực.

Như vậy, cùng hướng đến tư duy sáng tạo, nhưng mỗi cá nhân trong doanh nghiệp có thể thuộc về cấp độ này hay cấp độ khác. Việc quan sát để biết cấp độ tư duy sáng tạo của đội ngũ nhân viên và tạo điều kiện để những người thuộc cấp độ từ 4 đến 2 phát huy năng lực của họ là nhiệm vụ và cũng là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản trị doanh nghiệp. Khi vượt qua được thách thức đó, chính nhà quản trị đã tự bồi dưỡng để dần đạt được cấp độ 1.


Sưu tầm

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Việc chế tạo loại mũ tăng cường khả năng nhận thức của con người có thể trở thành hiện thực sau khi một nghiên cứu cho thấy, xung điện từ làm tăng khả năng hoạt động của não.
Các nhà khoa học của Đại học British Columbia (Canada) tìm hiểu tác động của sóng điện từ đối với hoạt động học hỏi và ghi nhớ của não với 30 người. Họ yêu cầu tình nguyện viên theo dõi một mục tiêu trên màn hình máy tính bằng nút joystick. Mục tiêu được đánh dấu bằng chấm đỏ.

Ban đầu mục tiêu di chuyển ngẫu nhiên, sau đó nó chạy theo quỹ đạo đã được lập trình sẵn và cuối cùng lại quay trở lại kiểu di chuyển tự do. Tất cả tình nguyện viên không nắm được quy luật chuyển động ấy. Họ cho rằng mục tiêu di chuyển tự do trong suốt quá trình thử nghiệm. 
Sóng điện từ có thể làm tăng khả năng hoạt động của não người. (Ảnh: themoneytimes)
Trong lần thử nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu gắn nam châm lên đầu một số tình nguyện viên trong khi những người còn lại không được gắn bất cứ thứ gì. Kết quả cho thấy những người được gắn nam châm nhận ra rằng mục tiêu di chuyển theo quỹ đạo được lập trình sẵn trong một giai đoạn.

"Thử nghiệm chứng minh rằng sóng điện từ có thể làm tăng khả năng hoạt động của hệ thần kinh. Phát hiện này có thể dẫn tới sự ra đời của mũ hỗ trợ hoạt động nhận thức. Với công cụ đó chúng ta có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc học tập. Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng đó trong phòng thí nghiệm", tiến sĩ Lara Boyd, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu. 
Sưu tầm: Wlike.vn